Những cạm bẫy vòng xoáy bán hàng đa cấp

Trao đổi với PV Dân trí, ông Phan Đức Quế, Trưởng ban điều tra và xử lý các hàng vi cạnh tranh không lành mạnh, Cục Quản lý Cạnh tranh, Bộ Công thương khẳng

Nộp gần chục triệu đồng sẽ được đặt phòng giá rẻ ở bất cứ quốc gia nào, ngoài ra còn được hưởng nhiều quyền lợi đến… hết đời. Những thông tin “rỉ tai” này khiến hàng chục nghìn người lao vào vòng quay ma trận của một hệ thống bán hàng đa cấp.

Ngồi một chỗ tiền chảy vào túi?!

Qua giới thiệu bảo đảm từ một thành viên của tập đoàn du lịch Diamon Holiday Travel (gọi tắt là DHT), có trụ sở chính tại Mỹ, chi nhánh tại Hồng Kông và mới mở văn phòng chính thức tại phố Khuất Duy Tiến – Hà Nội, dưới hình thức công ty TNHH hợp tác phát triển IQCOM, tôi được tiếp cận với một phụ nữ đứng tuổi giới thiệu tên là T, đã đạt đến chức “bàn phó” trong hệ thống bán sản phẩm của hệ thống này.

Ngay trong vài phút đầu gặp gỡ “bàn phó” gây sốc cho người đối diện bằng hàng loạt quyền lợi và những khoản tiền kếch xù dễ dàng kiếm được khi đã nộp tiền và trở thành người của DHT.

“Đây là sản phẩm dịch vụ du lịch. Nộp một khoản tiền là 375 USD, bạn sẽ được cấp một tài khoản và được mở trang web riêng. Từ đó có thể ngồi nhà chọn địa điểm đặt phòng khách sạn 3-5 sao trên toàn thế giới, thuộc đối tác của DHT. Nhưng yêu cầu chỉ có thể thực hiện sau 3-6 tháng”.

Tuy nhiên, vị “bàn phó” này khẳng định, chẳng ai tham gia vào hệ thống này nghĩ đến chuyện đặt phòng đi du lịch mà chủ yếu để hoạt động môi giới, tìm mọi cách lôi kéo thêm nhiều người khác cùng nộp tiền để hưởng “hoa hồng”. Theo đó, cứ mời được hai người khác tham gia làm thành viên của hệ thống và hỗ trợ họ lôi kéo thêm những người khác tham gia thì sẽ được thăng cấp. Cấp càng cao được thưởng càng lớn cộng với khoản “hoa hồng” hậu hĩnh từ giá trị tiền nộp của những người vào sau.
“Cứ theo thứ tự, nếu mời được người đủ để tiến đến chức “bàn trưởng – hay còn gọi là bàn vàng”, khoản tiền hoa hồng được hưởng là 1.000 USD. Tuy nhiên, đó chỉ là khoản “rau dưa”, mục tiêu chính của tất cả mọi người là tiến đến “bàn đỏ”, được hưởng đến 15.000 USD, lúc đó chẳng phải làm gì tiền cũng ào ào chảy vào túi. Vì thế mà đến nay đã có tới 14.000 người tham gia vào hệ thống này. Ai cũng kiếm được rất nhiều tiền”- chị “bàn phó” say sưa thuyết trình!

Cũng với mục tiêu được thăng chức, chị “bàn phó” này đã đôn đáo cùng với một người khác cấp cao hơn đi đến tận Thái Bình, Nam Định, Hà Nam… thuyết trình với rất nhiều người để lôi kéo họ vào hệ thống.

“Kết quả mỹ mãn đến không ngờ, rất nhiều người ở các tỉnh muốn tham gia hệ thống. Có người còn mở tài khoản, nhận hàng trăm triệu đồng tiền nộp từ những người khác rồi giao dịch qua internet để nộp tiền vào hệ thống”- vị “bàn phó” vui vẻ khoe.
Khi tôi đặt câu hỏi, với khoản tiền lớn như vậy, vì sao không có một loại giấy tờ, phiếu thu thể hiện hay chứng nhận khoản tiền đã nộp vào hệ thống của DHT, “bàn phó” sau một hồi lúng túng đành thú thật: “Đó là vấn đề vướng mắc chưa thể giải quyết. Đã tham gia làm ăn thì phải tin nhau thôi. Nếu em tin tưởng thì nộp tiền cho chị. Chưa tin tưởng thì có thể đến công ty tham quan rồi dành thời gian qua nhà một “thủ lĩnh” ở Tây Sơn (cho biết nhà biết cửa để yên tâm), chuyên đứng ra nhận tiền rồi mở tài khoản cho khách mới.

Như vậy, khoản tiền gần chục triệu đồng mà mỗi người nộp vào hệ thống thông qua nhiều tầng môi giới hoàn toàn không có chứng từ, mà chỉ dựa vào những thông tin mơ hồ từ người này rỉ tai người khác mà ra.

Cơ quan chức năng không hay biết

Lấy lý do cần nghiên cứu thêm về hình thức hoạt động của hệ thống DHT, tôi vất vả lắm mới từ chối được lời kỳ kèo đóng tiền ngay “kẻo mất cơ hội làm giàu” của “bàn phó”. Dù vậy, cả tuần sau, mỗi ngày ít nhất đến 2 lần tôi nhận được điện thoại thúc giục từ “bàn phó”. Lần tìm đến tận văn phòng giao dịch, mới thấy giật mình về sức hút của hệ thống kinh doanh đa cấp này.

Trong ngôi nhà 4 tầng được dành tầng 1 là nơi tiếp khách chung của mọi thành viên trong hệ thống. Trên tường cao là khung kính trang trọng bên trong có công văn đóng dấu đỏ của Cục quản lý cạnh tranh, Bộ Công thương với nội dung hướng dẫn hoạt động. Cả tầng 1 chật kín người ngồi tràn ra tận sân, ồn ào, sôi nổi bàn về những khoản “hoa hồng” kếch xù mà người này mới có, món quà tặng hấp dẫn người kia mới giành được…

Việc kiếm tiền nhiều theo giới thiệu thì dường như quá dễ dàng, đơn giản, tiền bạc như luôn sẵn sàng chảy vào túi tất cả mọi người. Như được tiếp thêm động lực, nhiều người nông dân ở ngoại tỉnh chân còn vương bùn, chưa hề biết sử dụng internet ban đầu còn dè dặt nhưng sau đó đã nhanh chóng bảo nhau móc túi, lấy ra món tiền tằn tiện nhiều năm để nộp cho người môi giới, mà không cần một mảnh giấy biên nhận nào.
Ngồi cùng với một số người khác, chị Hương (Gia Lâm) đã từng tham gia bán hàng đa cấp thì thào khuyên nhủ những người bên cạnh: Dự án kinh doanh siêu lợi nhuận mà hệ thống này đưa ra quá vô lý. Thực chất, đây là kiểu lấy tiền người này trả cho người khác. Vì thế, hãy cứ nộp tiền vào, rồi thật nhanh chóng lôi kéo người khác tham gia, rút được tiền gốc của mình ra là yên tâm. Ít nữa, hệ thống có sập, thì cũng mất tiền của người khác!

Trao đổi với PV Dân trí, ông Phan Đức Quế, Trưởng ban điều tra và xử lý các hàng vi cạnh tranh không lành mạnh, Cục Quản lý Cạnh tranh, Bộ Công thương khẳng định: Đơn vị không hề hay biết đến hoạt động của doanh nghiệp này.

“Trước đó không lâu, IQCOM có gửi công văn lên Cục đề nghị hướng dẫn hoạt động môi giới sản phẩm dịch vụ. Trong công văn gửi IQCOM, Cục đã cũng khẳng định rõ mọi hoạt động môi giới của doanh nghiệp phải nằm trong phạm vi điều chỉnh của các quy định của Luật thương mại về hoạt động môi giới thương mại…”, ông Quế nói.

Ông Quế cũng cho biết, hiện Chính phủ chưa cấp phép đối với các hoạt động môi giới là các sản phẩm dịch vụ, nên bản thân Cục không hề hay biết doanh nghiệp này hoạt động theo kiểu gì, đang có văn phòng chính xác ở đâu.

Related posts:

Nội Dung Khác

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *